Văn hóa doanh nghiệp – hiểu theo một cách đơn giản nhất – là tất tần tật cách mọi người trong cùng một tổ chức, tương tác và làm việc với nhau vì một mục tiêu chung cụ thể.
Văn hóa doanh nghiệp đồng thời là những kết quả cụ thể của một nhóm, được thể hiện thông qua hành động, sở thích, ngôn ngữ, lối sống của từng cá nhân trong đó. Yếu tố quan trọng này là nền tảng cốt lõi của mọi doanh nghiệp, góp phần tạo dựng ra các giá trị, sự tin tưởng cho xã hội.
Hình 1. Bạn đã biết văn hoá doanh nghiệp là gì?
Tựu chung lại, văn hóa doanh nghiệp là những giá trị, niềm tin, hình thức mà mọi người trong doanh nghiệp cùng công nhận và suy nghĩ, lời nói, hành động như một thói quen, giống như đời sống tinh thần và tính cách của một con người, và là phần quyết định đến sự thành bại về lâu dài của doanh nghiệp. Những thành phần của văn hóa doanh nghiệp gồm 3 phần chính: tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi. Biểu hiện của văn hóa doanh nghiệp thể hiện qua 2 yếu tố:
- Hữu hình: Đồng phục, khẩu hiệu, nghi thức, quy định, nhạc phim công ty, tập san nội bộ, các hoạt động,…
- Vô hình: Thái độ, phong cách, thói quen, nếp nghĩ của những con người trong tổ chức.
LỢI ÍCH CỦA VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP MANG LẠI
Hình 2. Văn hoá doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp và cá nhân phát triển
Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố chi phối hầu hết mọi kết quả của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không có văn hóa doanh nghiệp rõ ràng thì giống như một con người không có định hướng mục tiêu cuộc đời và không biết đi về đâu.
Các công ty phát triển lớn mạnh đều có nền văn hóa doanh nghiệp vững chắc, tuổi đời của một doanh nghiệp có nền văn hóa vững chắc lớn hơn rất nhiều lần tuổi đời của người lãnh đạo doanh nghiệp đó.
Với mỗi cá nhân hiện đang là thành viên của một doanh nghiệp bất kì, hãy thực hiện đúng văn hóa của doanh nghiệp mà bạn đang công tác, bởi những điều tưởng chừng như đơn giản và nhỏ nhoi ấy lại có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn theo hướng tích cực hoặc tiêu cực tùy vào thái độ thực hiện của bạn.
XÂY DỰNG VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP TÍCH CỰC NHƯ THẾ NÀO?
Trong thời buổi cạnh tranh, các doanh nghiệp tại Việt Nam ngày càng có sự đầu tư cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực, không chỉ nhằm thu hút nguồn nhân lực tài năng mới, mà còn tạo dựng sự tự hào về doanh nghiệp của các nhân viên cũ.
Dưới đây là 6 bước mà bạn có thể tham khảo lên kế hoạch xây dựng cho doanh nghiệp mình một văn hóa tốt đẹp:
Bước 1: Xác định các giá trị của doanh nghiệp
Bạn cần trả lời 3 câu hỏi quan trọng nhất của mọi doanh nghiệp:
- Doanh nghiệp chúng ta tồn tại với mục đích gì?
- Chúng ta tin tưởng vào những giá trị nào?
- Tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp là gì?
Văn hóa doanh nghiệp không chỉ tồn tại ở những buổi party, đồ ăn, đồ uống miễn phí. Thứ mà mọi người thực sự muốn là cần hiểu rõ được, họ đang làm việc vì cái gì, và trong tương lại họ trở thành cái gì. Nếu không xác định được các giá trị cụ thể, những nhân viên sẽ cảm thấy dần chán nản và bỏ đi.
Những giá trị này không tồn tại dựa trên 1 câu nói được sơn đẹp đẽ trên tường, ở một góc đẹp nhất nơi tất cả mọi người đều nhìn thấy. Nó phải là các hành động cụ thể, công việc cụ thể, gắn liền với trải nghiệm làm việc của mọi người.
Hình 3. Xây dựng văn hoá doanh nghiệp đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp
Bước 2: Đánh giá lại văn hóa doanh nghiệp hiện tại
Văn hóa doanh nghiệp bắt đầu từ chính những nhân viên đầu tiên. Những thứ họ tin tưởng và các giá trị họ đem lại cũng như hướng đến chính là văn hóa. Chỉ cần từ 5 – 10 người, bạn đã có những hình dung rõ ràng về văn hóa doanh nghiệp hiện tại. Hãy xem xét lại và đưa ra các điều chỉnh phù hợp.
Ở các doanh nghiệp nhỏ, vai trò của đội ngũ lãnh đạo là vô cùng quan trọng, bởi sự gần gũi cũng như khả năng kết nối và sức ảnh hưởng mạnh mẽ.
Bước 3: Đầu tư thời gian vào xây dựng thương hiệu
Thương hiệu doanh nghiệp chính là những gì nhân viên suy nghĩ, cảm nhận và chia sẻ với người xung quanh về cách họ làm việc. Một thương hiệu tốt sẽ góp phần quan trọng xây dựng được văn hóa doanh nghiệp bền vững.
Sự tự hào chính là chìa khóa, giúp mọi nhân viên có những thái độ tích cực hơn, chủ động hơn trong công việc của mình.
Bước 4: Tối ưu quy trình tuyển dụng
Khi nhắc tới quy trình tuyển dụng, hãy dành nhiều thời gian hơn trong việc lựa chọn những nhân sự phù hợp bởi lẽ, nếu không cùng mục tiêu, mục đích, sẽ tốn rất nhiều thời gian của cả 2 mà không đi đến đâu cả.
Hình 4. Tuyển dụng đóng vai trò then chốt trong công tác xây dựng văn hoá doanh nghiệp
Dưới đây là một vài điểm cần lưu ý khi tuyển dụng:
- Hãy đảm bảo rằng các ứng viên đồng tình với văn hóa và giá trị của doanh nghiệp;
- Tối ưu hóa quy trình tuyển dụng thành nhiều phần, nhiều góc độ;
- Ưu tiên cho thái độ, nhiều hơn là kinh nghiệm và kỹ năng.
Bước 5: Liên tục củng cố giá trị doanh nghiệp
Có những chương trình, phần thưởng để khuyến khích mọi người thực hiện theo giá trị doanh nghiệp là bí quyết để bạn xây dựng văn hóa thành công. Hãy có những phần thưởng cho những cá nhân với các đóng góp cụ thể nhé.
Một số ví dụ như:
- Phần thưởng cho những cá nhân có đóng góp tích cực;
- Tặng quà vào ngày sinh nhật;
- Tổ chức các buổi team-building, workshop,…
Bước 6: Kiểm soát và đo lường sự hiệu quả
Bạn có thể đo lường sự hiệu quả bằng nhiêu cách, như thực hiện các buổi khảo sát, đánh giá hay phỏng vấn nhân viên của mình xem họ có hài lòng với những văn hóa mà doanh nghiệp đang muốn xây dựng hay không.
Hình 5. Mức độ hài lòng của nhân viên tỉ lệ thuận với hiệu quả công việc của họ
Hãy liên tục kiểm soát và đo lường cũng như tối ưu các hoạt động để xây dựng văn hóa tích cực.
Xây dựng văn hóa công ty là một trong những nỗ lực quan trọng nhất đối với bất kỳ doanh nghiệp nào – và đồng thời cũng là chìa khóa để tuyển dụng và duy trì một đội ngũ gắn bó với năng suất cao.
NGUỒN THAM KHẢO:
https://www.uplevo.com/blog/quan-tri/vi-du-ve-van-hoa-doanh-nghiep-cong-ty/
https://edu2review.com/news/kien-thuc/van-hoa-doanh-nghiep-la-gi-lieu-yeu-to-nay-co-anh-huong-den-doanh-nghiep-3166.html